5 Đề kiểm tra cuối học kì 1 Ngữ văn Lớp 10 (Có gợi ý)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến 4: 

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới. Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới... 

(Hạt giống tâm hồn, Hai hạt lúa) Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0,5 điểm) 

Câu 2: Câu văn “Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới” sử dụng biện pháp tu từ gì? (0,5 điểm) 

Câu 3: Nêu ý nghĩa của văn bản. (1,0 điểm) 

Câu 4: Nếu được lựa chọn, anh/ chị sẽ chọn cách sống như hạt lúa thứ nhất hay hạt lúa thứ hai? Vì sao? (trả lời trong khoảng từ 5 đến 7 dòng). (1,0 điểm) 

docx 17 trang Thúy Anh 08/08/2023 1720
Bạn đang xem tài liệu "5 Đề kiểm tra cuối học kì 1 Ngữ văn Lớp 10 (Có gợi ý)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • docx5_de_kiem_tra_cuoi_hoc_ki_1_ngu_van_lop_10_co_goi_y.docx

Nội dung text: 5 Đề kiểm tra cuối học kì 1 Ngữ văn Lớp 10 (Có gợi ý)

  1. ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 10 (Đề 1) I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm): Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến 4: Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới. Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới (Hạt giống tâm hồn, Hai hạt lúa) Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0,5 điểm) Câu 2: Câu văn “Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới” sử dụng biện pháp tu từ gì? (0,5 điểm) Câu 3: Nêu ý nghĩa của văn bản. (1,0 điểm) Câu 4: Nếu được lựa chọn, anh/ chị sẽ chọn cách sống như hạt lúa thứ nhất hay hạt lúa thứ hai? Vì sao? (trả lời trong khoảng từ 5 đến 7 dòng). (1,0 điểm) II. LÀM VĂN: Câu 1: (2,0 điểm) Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của câu văn “hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt”.
  2. Câu 2: (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của con người và thời đại nhà Trần trong bài thơ “Tỏ lòng” (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão. GỢI Ý ĐÁP ÁN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm): Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản: Nghệ thuật. Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: nhân hóa (hạt lúa thì ngày đêm mong thật sự sung sướng) Câu 3: Ý nghĩa của văn bản: từ sự lựa chọn cách sống của hai hạt lúa, câu chuyện đề cập đến quan niệm sống của con người: nếu bạn chọn cách sống ích kỉ, bạn sẽ bị lãng quên; ngược lại, nếu bạn chọn cách sống biết cho đi, biết hi sinh, bạn sẽ nhận lại quả ngọt của cuộc đời. Câu 4: Học sinh đưa ra quan điểm của bản thân và lí giải thuyết phục. II. LÀM VĂN: Câu 1: (2,0 điểm) a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có nêu vấn đề, triển khai vấn đề, kết luận được vấn đề theo phương thức nghị luận. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: trong cuộc sống, không nên chỉ thu mình trong vỏ bọc bình yên mà phải biết vươn ra, chấp nhận thử thách, chông gai để đóng góp cho cuộc đời. c. Triển khai vấn đề nghị luận bằng việc vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động - Sự hi sinh của hạt lúa (nát tan trong đất) lại đem đến sự hồi sinh, mang lại cho đời vô số những hạt lúa mới; từ đó liên tưởng đến sự dấn thân, chấp nhận gian khó, thử thách, dám sống và hành động vì mục đích cao cả, tốt đẹp của con người. - Phê phán lối sống ích kỉ, thu mình trong vỏ bọc khép kín, chỉ biết nghĩ đến những quyền lợi của bản thân.
  3. - Bài học nhận thức và hành động: sống phải biết vươn lên chấp nhận thử thách, khó khăn để làm mới mình và đóng góp cho đời. d. Sáng tạo: HS có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ của bản thân, văn viết trong sáng, diễn đạt mạch lạc. e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Câu 2: (5,0 điểm) a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở đầu bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai vấn đề thành các luận điểm, kết bài kết luận được vấn đề. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp của con người, thời đại nhà Trần trong bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. - Giới thiệu khái quát về tác giả Phạm Ngũ Lão và bài thơ “Tỏ lòng” - Nêu và phân tích luận đề: vẻ đẹp của con người và thời đại nhà Trần trong bài thơ: *Vẻ đẹp của người trai thời Trần: + Hình ảnh người tráng sĩ vệ quốc thuở bình Nguyên cầm ngang ngọn giáo bền bỉ bảo vệ non sông với tư thế hiên ngang, uy dũng, mang tầm vóc vũ trụ. + Hình ảnh người anh hùng với quan niệm về chí làm trai, tự ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm công dân với đất nước trong hoàn cảnh có giặc xâm lăng (công danh nam tử còn vương nợ) + Nỗi thẹn cao cả, khiêm nhường cho thấy cái tâm của một nhân cách lớn, hoài bão lớn: mong có được tài cao chí lớn để đóng góp nhiều hơn cho đất nước. *Vẻ đẹp của thời đại nhà Trần: + Bằng thủ pháp so sánh phóng đại và sử dụng hình ảnh ước lệ, Phạm Ngũ Lão đã khắc họa vẻ đẹp và sức mạnh của đội quân mang hào khí Đông A “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”
  4. → sức mạnh thể chất vô địch, phi thường; sức mạnh tinh thần với khí thế “xung thiên”, quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược. - Đánh giá chung về vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp thời đại nhà Trần, đặc sắc nghệ thuật d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện ý nghĩa sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận, văn phong khoa học, giàu cảm xúc. e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu (trừ 0,25 điểm nếu mắc 1 – 2 lỗi; trên 3 lỗi trừ 0,5 điểm)
  5. ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 10 (Đề 2) I. Đọc hiểu (4,0 điểm) Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào của văn học dân gian Việt Nam? Câu 2. Hãy nêu nội dung, ý nghĩa của văn bản trên. Câu 3. Xác định và nêu tác dụng biện pháp tu từ từ vựng được sử dụng trong văn bản trên. Câu 4. Bài ca dao trên ca ngợi công ơn lớn lao của cha mẹ và khuyên răn con cái phải có thái độ hiếu kính đối với cha mẹ. Anh (chị) hãy viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về vấn đề trên. II. Làm văn (6,0 điểm) Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới, bài số 43) của Nguyễn Trãi: Rồi hóng mát thuở ngày trường, Hoè lục đùn đùn tán rợp giương. Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ, Hồng liên trì đã tiễn mùi hương. Lao xao chợ cá làng ngư phủ, Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương. Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng, Dân giàu đủ khắp đòi phương.
  6. GỢI Ý ĐÁP ÁN I. Đọc hiểu (4,0 điểm) Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại ca dao của văn học dân gian Việt Nam. Câu 2. Nội dung, ý nghĩa bài ca dao: Bài ca dao trên ca ngợi công ơn lớn lao của cha mẹ và khuyên răn con cái phải có thái độ hiếu kính đối với cha mẹ. Câu 3. Xác định và nêu tác dụng biện pháp tu từ từ vựng được sử dụng trong văn bản trên: - BPTT so sánh: + Công cha được so sánh với núi Thái Sơn. + Nghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn. - Tác dụng: Ca ngợi công ơn lớn lao của cha mẹ đối với con cái. Câu 4. - Thể loại: Đoạn văn NLXH. - Hình thức: Biết cách trình bày một đoạn văn nghị luận. - Nội dung: Hs có thể trình bày đoạn văn bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung chính sau đây: + Công ơn lớn lao của cha mẹ đối với con cái như núi cao, biển rộng. + Phận làm con cần phải có thái độ thương yêu, kính trọng và hiếu thảo đối ông bà, cha mẹ. Đồng thời cần phải có những hành động thiết thực trong cuộc sống để thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình đối với ông bà, cha mẹ: Biết quan tâm, chăm sóc cha mẹ; Cố gắng học tập cho giỏi II. Làm văn (6,0 điểm) * Yêu cầu về kĩ năng: - Biết cách làm bài văn nghị luận văn học về một tác phẩm thơ - Bố cục 3 phần rõ ràng - Lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp. * Yêu cầu về kiến thức:
  7. Trên cơ sở kiến thức về nhà văn, về tác phẩm, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cơ bản nêu được các ý sau: 1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận - Nguyễn Trãi là nhà thơ lớn của dân tộc, để lại nhiều sáng tác có giá trị. - Bài Cảnh ngày hè là bài thơ tiêu biểu trong tập Quốc âm thi tập, bài thơ là bức tranh thiên nhiên sinh động ngày hè và nổi bật lên là vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi trong bài thơ: yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và tấm lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng. 2. Phân tích, chứng minh - Bức tranh thiên nhiên ngày hè: + Với tình yêu thiên nhiên nồng nàn, cùng với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm tác giả đã đón nhận thiên nhiên bằng các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác + Các hình ảnh: hoa hòe, thạch lựu, hoa sen. + Âm thanh: tiếng ve. + Mùi hương: của hoa sen. + Nghệ thuật: Các động từ: đùn đùn, phun + tính từ tiễn. + Hình ảnh gần gũi, dân dã với cuộc sống. → Nhận xét: Bức tranh chân thực mang nét đặc trưng của mùa hè ở thôn quê, kết hợp hài hòa đường nét và màu sắc. Bức tranh thiên nhiên sinh động, tràn đầy sức sống. Nguồn sống ấy được tạo ra từ sự thôi thúc tự bên trong, đang ứ căng, tràn đầy trong lòng thiên nhiên vạn vật, khiến chúng phải "giương lên", "phun" ra hết lớp này đến lớp khác. * Bức tranh cuộc sống sinh hoạt và tấm lòng với dân, với nước. • Hướng về cuộc sống lao động, cuộc sống sinh hoạt của nhân dân: • Hình ảnh: chợ cá làng ngư phủ → cuộc sống tâp nập, đông vui, ồn ào, no đủ. • Âm thanh: lao xao → Từ xa vọng lại, lắng nghe âm thanh của cuộc sống, quan tâm tới cuộc sống của nhân dân.
  8. → Bức tranh miêu tả cuối ngày nhưng không gợi cảm giác ảm đạm. Bởi ngày sắp tàn nhưng cuộc sống không ngừng lại, thiên nhiên vẫn vận động với cuộc sống dồi dào, mãnh liệt, bức tranh thiên nhiên vẫn rộn rã những âm thanh tươi vui. • Mong ước khát vọng cho nhân dân khắp mọi nơi đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc: • Ước muốn có chiếc đàn của vua Thuấn để gẩy lên khúc nam phong ca ngợi cuộc sống no đủ của nhân dân. Tấm lòng ưu ái với nước. • Câu cuối: câu lục ngôn ngắt nhịp 3/3 âm hưởng đều đặn đã thể hiện khát vọng mạnh mẽ của Nguyễn Trãi 3. Bài thơ cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc: yêu thiên nhiên và luôn nặng lòng với dân với nước.
  9. ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 10 (Đề 3) I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc bài ca dao sau và trả lời các câu hỏi: Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai (Ca dao) Câu 1. Khái quát nội dung của bài ca dao? Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt trong bài ca dao trên? Câu 3. Xác định các biện pháp tu từ trong bài ca dao. Nêu hiệu quả diễn đạt của chúng? Câu 4. Từ nội dung bài ca dao trên, anh/chị có liên hệ gì về cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội ngày nay? (Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 3 – 5 dòng) II. PHẦN TỰ LUẬN (7,0 điểm) Em hãy tưởng tượng mình là An Dương Vương trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy để kể lại câu chuyện theo ngôi thứ nhất. HẾT GỢI Ý ĐÁP ÁN I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Câu 1. Nội dung của bài ca dao: Đây là lời than ngậm ngùi chua xót thể hiện thân phận bấp bênh, bị lệ thuộc của người phụ nữ trong XHPK. Câu 2. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm. Câu 3. Biện pháp tu từ: So sánh ẩn dụ. - Từ ngữ biểu hiện: thân em – tấm lụa đào. - Tác dụng: nhấn mạnh nỗi khổ của người phụ nữ trong xã hội cũ (khổ vì thân phận của họ bị phụ thuộc, giá trị của họ không được ai biết đến). Câu 4. Học sinh có thể viết một đoạn văn ngắn từ 3-5 dòng nói về những suy nghĩ của mình về cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội ngày nay.
  10. II. PHẦN TỰ LUẬN (7,0 điểm) 1. Yêu cầu chung - Thí sinh phải biết biết cách tưởng tưởng và kể lại câu chuyện theo đúng ngôi thứ nhất. - Cốt truyện hợp lý không sử dụng những yếu tố hiện đại không phù hợp với màu sắc truyền thuyết. - Có sự kết hợp giữa các yếu tố: tự sự miêu tả và biểu cảm. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp 2. Yêu cầu về kiến thức: Bài làm của thí sinh cần đạt các ý sau: *Mở bài: Giới thiệu nhân vật ADV. *Thân bài: - Trước khi có thành Cổ Loa và nỏ thần: thấy được nhiệt huyết của ADV khi quyết tâm xây thành để bảo vệ đất nước (thành xây đến đâu đổ đến đó, lập đàn cầu thần tấm lòng của ADV với dân với nước đã cảm động trời đất và được xứ Thanh Giang đến giúp.) - Khi có thành cao kiên cố và nỏ thần: thấy được sự chủ quan của ADV (gả con gái cho TT, cho TT ở rể; thiếu tinh thần cảnh giác; chủ quan khinh địch: địch đến chân thành vẫn ngồi đánh cờ ; và cuối cùng rơi vào bi kịch nước mất nhà tan *Kết bài: ADV theo RV xuống biển với lòng ân hận và nỗi thương nhớ con da diết.
  11. ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 10 (Đề 4) I. Phần đọc hiểu (4,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu sau: “Suốt bao nhiêu năm, cha đã làm người đưa thư trong cái thị trấn này. Cha đã đạp xe dọc theo theo những đại lộ hay những phố nhỏ chật hẹp, gõ cửa và đem đến tin tức của một họ hàng, đem những lời chào nồng nhiệt từ một nơi xa xôi nào đó [ ]. Chiếc phong bì nào cũng đều chưa đựng những tin tức được mong chờ từ lâu. Con muốn cha biết được rằng con vô cùng kính yêu cha cũng như khâm phục biết bao nhiêu cái công việc cha đã làm cho hàng vạn con người [ ]. Khi con nghĩ về hàng ngàn cây số cha đã đạp xe qua, đem theo một túi nặng đầy thư, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, dù trời nắng hay mưa, lòng con tràn ngập niềm tự hào khi tưởng tượng ra niềm vui mà cha đem lại cho những ai đợi chờ tin tức từ những người yêu dấu. Cha đã gắn kết những trái tim lại với nhau như một nhịp cầu vồng.” (Trích Cha thân yêu nhất của con, theo Những bức thư đoạt giải UPU, Ngữ văn 10, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr28) Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngô ngữ nào? (0,5 điểm) Câu 2: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản? (0,5 điểm ) Câu 3: Người con đã bộc lộ tình cảm, thái độ như thế nào đối với người cha và công việc đưa thư của ông? (1,0 điểm) Câu 4: Từ văn bản trên, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng ½ trang giấy thi) về tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống hôm nay (2,0 điểm). II Phần làm văn (6,0 điểm) Nỗi niềm của cô gái trong bài ca dao: Khăn thương nhớ ai,
  12. Khăn rơi xuống đất. Khăn thương nhớ ai, Khăn vắt lên vai. Khăn thương nớ ai Khăn chùi nước mắt Đèn thương nhớ ai Mà đèn không tắt Mắt thương nhớ ai Mắt ngủ không yên Đêm qua em những lo phiền Lo vì một nỗi không yên một bề (Trích Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa, Ngữ văn 10, tập một, NXB Giao dục Việt Nam, 2012, tr 83) ĐÁP ÁN Phần 1: ĐỌC HIỂU Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm. Câu 3: Tình cảm, thái độ của người con đối với người cha: kính yêu “ con vô cùng kính yêu cha ”; với công việc đưa thư của ông: khâm phục, tự hào “khâm phục biết bao nhiêu cái ông việc cha đã làm cho hàng vạn con người, lòng con tràn ngập niềm tự hào ”. → Kính trọng, tự hào. Câu 4: -Ở câu này, giám khảo chấm điểm linh hoạt. Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. - Học sinh trình bày suy nghĩ của mình với thái độ chân thành, nghiêm túc, hợp lí, thuyết phục. Có thể theo định hướng sau:
  13. + Hiểu và chỉ sau được những biểu hiện của người có tinh thần trách nhiệm (Tinh thần trách nhiệm là ý thức và nỗ lực hoàn thành tốt chức trách và phận sự của mình với gia đình và xã hội ). + Khẳng định tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống : là tiêu chí để đánh giá con người, quyết định đến sự thành – bại của cá nhân và sự phát triển bền vững của xã hội .; có thể chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng của cuộc sống do một số người làm việc vô trách nhiệm gây ra. + Rút ra bài học nhận thức và hành động: nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, ở mọi nghành nghề, mọi cương vị II. LÀM VĂN 6,0 điểm a. Yêu cầu về kỹ năng Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. b. Yêu cầu về kiến thức Trên cơ sở những hiểu biết về ca dao yêu thương tình nghĩa, học sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo những yêu cầu về kiến thức. Sau đây là một số gợi ý : - Giới thiệu bài ca dao. - Trong bài ca dao, cô gái bộc lộ nỗi niềm thương nhớ người yêu da diết, bồn chồn và nỗi niềm thấp thỏm lo âu cho hạnh phúc lứa đôi + Nỗi thương nhớ được nói đén liên tiếp trong 10 dòng thơ 4 chữ. Điệp khúc “thương nhớ ai” được lặp lại nhiều lần trong bài ca dao, tập trung khắc họa nỗi nhớ thương trào dâng tha thiết, mãnh liệt trong lòng cô gái; cô gái hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi mắt là để hỏi chính lòng mình Nỗi niềm nhớ thương của cô gái đối với người yêu còn được biểu hiện một cách cụ thể, sinh động qua các biểu tượng khăn, đèn, mắt (Khăn, đèn đã được nhân hóa, còn mắt là phép hoán dụ); + Hai dòng lục bát cuối: nỗi niềm thấp thỏm lo âu “không yên một bề” - Bài ca mang nhiều nét đặc trưng của nghệ thuật ca dao như : ngôn ngữ gần gũi với lời nói hằng ngày; hình ảnh nhân hóa, hoán dụ; dùng biểu tượng để bộc lộ tâm trạng nhân vật trữ tình; sử dụng nhiều hình thức điệp
  14. - Tình yêu chân thành, tha thiết, sâu sắc và cháy bỏng của người con gái trong bài ca dao đã tô đậm thêm nét đẹp tâm hồn của các cô gái Việt ở làng quê xưa. - Kết bài: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của bài ca dao.
  15. ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 10 (Đề 5) I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi cho bên dưới: Có hai loại phản ứng tiêu cực tiêu biểu từ người ít đọc khi được khuyên đọc sách nhiều hơn: "Đọc sách đâu bảo đảm thành công." - Một câu ngụy biện kinh điển của những người lười đọc. "Sách chỉ khiến người ta mơ mộng hão huyền phi thực tế." - Phát biểu từ một người thiếu hiểu biết về sách. Đối với họ chắc sách chỉ có mỗi thể loại tiểu thuyết diễm tình huyễn hoặc. Tôi không biết lần cuối cùng họ cầm một quyển sách tử tế trong tay là khi nào. Rõ ràng là không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng lại có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách. Một nghiên cứu được tiến hành trên 1.200 người giàu có nhất thế giới cho thấy: Điểm chung giữa những người này là họ tự giáo dục bản thân thông qua việc đọc sách. Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet đều là những người đọc sách rất chuyên cần. Đọc sách không chắc sẽ giúp ta thành đạt trên đường đời, nhưng không có nó hầu như ta không thể thành người. Nhà văn J.K Rowling từng có lời khuyên cho người viết trẻ rằng nếu muốn viết tốt, hãy đọc càng nhiều càng tốt. Đọc mọi loại sách có thể. Đọc nhiều thì bạn sẽ phát hiện ra phong cách mà mình yêu thích, và tránh được các thể loại sách mà bạn cho là rác rưởi (Trích Đọc sách như thế nào, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn, 2017, tr 29-30) Câu 1: Đoạn trích sử dụng thao tác lập luận chính là gì? (1.0 điểm) Câu 2: Việc tác giả kể đến những cái tên như Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet, J.K Rowling có tác dụng gì với đoạn trích? (1.0 điểm) Câu 3: Đoạn trích trên gửi gắm thông điệp gì? (1.0 điểm) II. LÀM VĂN (7.0 điểm) Phân tích triết lý sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn.
  16. GỢI Ý ĐÁP ÁN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Câu 1: Thao tác lập luận chính: bác bỏ. Câu 2: Tác dụng của việc tác giả kể đến những cái tên như Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet, J.K Rowling: - Tăng sức thuyết phục cho đoạn trích. - Làm dẫn chứng minh họa cho ý “những người thành công đọc rất nhiều sách”. Câu 3: Thông điệp của đoạn trích: Khuyên mọi người cần đọc sách và lựa chọn sách để đọc. II. LÀM VĂN (7.0 điểm) a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Triết lý sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn. c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: * Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận. * Phân tích bài thơ Nhàn để làm sáng tỏ triết lý sống nhàn - 2 câu đề: Nhàn là sống cuộc sống vui thú điền viên, thư thái, ung dung, tự tại. - 2 câu thực: Nhàn là tin vào sự lựa chọn của bản thân và hóm hỉnh mỉa mai quan niệm sống bon chen của thiên hạ → Quan niệm “lánh đục về trong”. - 2 câu luận: Nhàn là sống đạm bạc, thanh cao, hòa hợp với tự nhiên. - 2 câu kết: Nhàn là coi thường danh lợi để giữ cốt cách trong sáng, thanh cao. * Đánh giá chung - Nội dung :
  17. Thể hiện vẻ đẹp cuộc sống, tâm hồn, cốt cách trong sạch của bậc danh nho ẩn sĩ. Đối với tác giả “nhàn” là một triết lí sống tìm yên vui, lạc thú cho bản thân, một thứ lạc thú cá nhân trong sạch . - Nghệ thuật : - Giọng thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh. - Cách nói tự nhiên, linh hoạt biểu hiện niềm tin về lối sống mà tác giả tự lựa chọn. → Nhàn không phải là thoát ly cuộc sống mà là thể hiện triết lý sống làm nổi bật nhân cách, đạo đức của người trí thức Nho giáo ngày xưa.